Trang chủ / Sách Tùy bút - Biên khảo
vn vh su yeu
 

Việt Nam Văn Học Sử Yếu

Tác giả: Dương Quảng Hàm.
Nhà xuất bản: Nxb Trẻ

Việt Nam Văn Học Sử Yếu

Cuốn sách "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" bao quát một khối lượng kiến thức khổng lồ, bắt đầu từ văn học dân gian cho đến các tác giả hiện đại cùng thời với Dương Quảng Hàm như: Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... Không chỉ dừng ở việc khảo cứu các giai đoạn, các tác giả và tác phẩm văn học, sách còn đề cập đến các tác giả Trung Quốc có ảnh hưởng tới văn học Việt Nam, đến sự hình thành chữ Quốc Ngữ và ảnh hưởng của văn học Pháp đến nền quốc văn hiện đại.
Đọc "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" độc giả còn tìm được những tư liệu có tính chất lịch sử về việc giảng giải chữ Hán, thể chế khoa thi cử Phong kiến... Xét trên phương diện nào đó thì cuốn sách này đã vượt ra khỏi tầm mức của một cuốn sách lịch sử văn học và cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý, có giá trị tham khảo.

"Việt Nam văn học sử yếu" - một cuốn sách của Giáo sư Dương Quảng Hàm biên soạn và đã được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1943 - đây là một cuốn sách mà giáo sư Dương Quảng Hàm đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu, biên soạn để giúp học sinh thấy được, cảm nhận được những thành tựu văn học của cha ông với lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Là người thông thạo cả tiếng Hán và tiếng Pháp, Giáo sư Dương Quảng Hàm đã tích lũy một khối lượng tư liệu lớn trong thời gian hơn 10 năm để hoàn thành công trình này. Có thâm niên đứng lớp trên 20 năm ở trường Trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi nổi tiếng và là trường Chu Văn An bây giờ) Giáo sư Dương Quảng Hàm mong muốn có được một bộ sách viết về lịch sử, văn hóa Việt Nam để học sinh biết tường tận về lịch sử, văn hoá nước nhà. Bởi thời kỳ đó, chính sách giáo dục của thực dân Pháp đã cung cấp cho học sinh bản địa những kiến thức rất sơ sài, thậm chí có những điều không chính xác về lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam.

"Việt Nam văn học sử yếu" đã sử dụng trên 1.100 tài liệu tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán trong trên 560 tác phẩm với hàng trăm tác giả được nhìn nhận, phân tích dưới nhiều góc độ. Đây được coi là một cuốn sách có tính chất giao khoa thư trong những năm 50. Bởi từ trước khi nó đến tay độc giả và nhiều thế hệ học sinh, chưa có một công trình khảo cứu nào về lịch sử văn học Việt Nam đạt tới một tầm vóc như vậy.

"Việt Nam văn học sử yếu" là một cuốn sách bao quát được một khối lượng kiến thức đồ sộ bắt đầu từ văn học dân gian (văn chương bình dân hay văn chương truyền khẩu - theo cách gọi của Giáo sư Dương Quảng Hàm) cho tới những tác phẩm, tác giả hiện đại cùng thời như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử và nhóm Tự lực văn đoàn. Không chỉ dừng lại ở việc khảo cứu các giai đoạn, các tác giả, tác phẩm văn học, giáo sư Dương Quảng Hàm còn đề cập tới những tác giả, tác phẩm nước ngoài ít nhiều có ảnh hưởng tới văn học Việt Nam, tới việc hình thành chữ quốc ngữ. Đọc "Việt Nam văn học sử yếu", độc giả còn tìm thấy nhiều tư liệu phong phú có tính chất lịch sử về việc giảng dạy và thể chế các khoa thi cử thời phong kiến. Theo các nhà nghiên cứu, trên một phương diện nào đó, Việt Nam văn học sử đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuốn sách lịch sử văn học với nhiều tư liệu quý cho công tác nghiên cứu, tham khảo.

Tuy nhiên việc cuốn sách này được ra đời vào năm 1943 trên cở sở những yêu cầu và cấu trúc chương trình của Nha học chính Đông Pháp nên Việt Nam văn học sử yếu có cách phân chia chương mục của thời kỳ đó, và những điều khác so với những nhận định bây giờ. Và cũng do ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, nên một số những nhận định, đánh giá về tác giả, tác phẩm và thời kỳ văn học cũng như các thuật ngữ cũng có thể bị nhìn nhận là không phù hợp. Tuy nhiên, với những giá trị không thể phủ nhận kể từ khi ra đời "Việt Nam văn học sử yếu" với hàng chục lần được tái bản ở cả hai miền Nam - Bắc đã khẳng định giá trị của nó trong một thời kỳ, một giai đoạn nhất định của lịch sử.
Việt Dũng

Tải về

http://www.mediafire.com/?ymznije3zoz

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc